UBND Xã Yên Mạc
Thứ hai, ngày 20/05/2024
Chào mừng bạn đến với Website xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

GIỚI THIỆU CHUNG

Yên Mạc xa xưa gọi là xứ Gia Nô (thời Trần gọi là Mô Độ, thời Minh thống trị gọi là Yên Mô) hình thành từ trước Công Nguyên. Sau tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 do Chính phủ lâm thời quyết định xoá bỏ cấp hàng tổng, để thành lập cấp xã, do vậy tổng Yên Mô đổi thành 3 xã (xã Yên Mạc; xã Yên Thái; xã Yên Đồng). Xã Yên Mạc được thành lập gồm 5 làng: Yên Mô Thượng, Yên Mô Càn, Phượng Trì, Kênh Đào và Côi Trì. Đến cuối năm 1956, làng Côi Trì và xóm Trại Vòng Lách của làng Yên Mô Thượng được tách ra, lập thành xã Yên Mỹ.

Hiện nay, xã Yên Mạc gồm 4 làng: Yên Mô Thượng, Yên Mô Càn, Phượng Trì và Kênh Đào; được thành lập theo địa bàn khu dân cư, với 15 xóm; tổng diện tích tự nhiên là 7,66 km2; trong đó diện tích canh tác 530,46ha; dân số hiện nay là 7.805 người, với 2.610 hộ. Trụ sở cơ quan xã nằm trên địa bàn làng Yên Mô Thượng, khu trung tâm xã. Xã Yên Mạc cách trung tâm huyện Yên Mô 8 km về phía nam; phía bắc giáp xã Yên Mỹ, phía đông giáp các xã Yên Từ, Yên Nhân và xã Lai Thành (huyện Kim Sơn); phía nam giáp các xã Yên Lâm, Yên Thái; phía Tây giáp các xã Yên Thái, Yên Thành.

Yên Mạc có địa hình đất đai đa dạng. Đất canh tác mầu, mùa, chiêm, trũng đan xen, có những vùng đất cát pha được bồi đắp phù sa, rất thích hợp cho việc trồng cây lương thực nhất là cây lúa. Cây công nghiệp chủ yếu là cây lạc, cây màu các loại. Có 4 dòng sông: Sông nhà Lê, sông Trinh, sông Càn, sông Bút chảy qua địa phận xã với chiều dài khoảng 9 km, rất thuận lợi cho giao thông, thuỷ lợi và tưới tiêu; có núi Bảng, núi Voi, núi Ông Đồ, núi Mũ. Bốn ngọn núi là căn cứ địa kháng chiến các thời kỳ. Yên Mạc có đường quốc lộ 12B (QL59B) đi qua và các tuyến đường liên huyện, liên xã, nội xã và chợ Bút, thuận lợi giao lưu hàng hóa, đi lại của nhân dân.

Yên Mạc còn được biết đến với những di tích lịch sử: miếu Tiên Nông, chợ Mo, hòn đá rước vua (tế vua) Mục Đồng, Đình làng Yên Mô (nay Yên Mô Thượng), sở Tuần Ty, cây Đề Gầm Sú, bến Tắm, bến Ngự, bến Chợ, Đồn nhà Lê, Ao Trời, chợ Bút, chợ Tiên Nông, Văn từ hàng huyện, Ao Vua, Đình làng Yên Mô Càn, miếu làng Yên Mô Càn, miếu Lê Niệm, Đình làng Phượng Trì, chùa Phượng Trình, chùa Uẩn Long, chùa Kiền Quang, chùa Hang … Có thể nói nơi đây vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều người tài ba có công đóng góp xây dựng quê hương đất nước. Điển hình như: thời phong kiến (cụ Lê Các Lão đặc tiến Phụ quốc - Thượng tướng quân, Đô đốc Đông trị quận công; cụ Phạm Thận Duật đã giữ chức Thượng thư Bộ Hình và Thượng thư Bộ Hộ kiêm Tham tri Bộ Công, Thăng hiệp biên Đại học sỹ, đại thần viên Cơ mật; cụ Vũ Phạm Khải -  quan Ngự sử, Lang trung Bộ Hình, Tham biện nội các, Toản tu Sử quán, Trưởng Hàn lâm viện ...), thời nay (Ông Nguyễn Trung Đình - Thứ trưởng Bộ nông nghiệp; Ông Vũ Xuân Hồng, Đại biểu QH khóa X, XI, XII, XIII, Chủ tịch LHCTC Hữu nghị Việt Nam (hàm Bộ trưởng); Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp ...). 

Trải qua nhiều biến đổi, thăng trầm của lịch sử, xã Yên Mạc và nhân dân đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết các Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra, giành được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Xã Yên Mạc đã từng bước đổi thay, mang dấu ấn của một nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu vụ mùa, cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật ...; đội ngũ cán bộ từng bước ổn định và trưởng thành; cơ sở vật chất được đầu tư mới: trụ sở Đảng, chính quyền, công an phường khang trang, nhà văn hóa, trạm Y tế, trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở trong xã được xây dựng mới, hệ thống chiếu sáng công cộng, giao thông được cải thiện ...

Các hộ gia đình 100% được dùng điện, trên 90% số hộ dân đã mua sắm được phương tiện nghe nhìn, hoạt động thương mại, dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực, sản phẩm nem chua Yên Mạc đã trở thành một đặc sản địa phương và được công nhận thương hiệu sản phẩm công nghiệp quốc gia, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Nem chua Yên Mạc". Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", xây dựng khu dân cư tiên tiến, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực. Đến nay đã có trên 80% xóm, cơ quan, trường học được công nhận văn hoá; có 85% hộ đạt tiêu chí danh hiệu “Gia đình văn hoá”. Các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Xoá đói giảm nghèo" được đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách, hộ nghèo. Công tác Quốc phòng An ninh được tăng cường, luôn hoàn thành tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định.

CÁC ĐƠN VỊ THUỘC XÃ:

Đảng bộ xã hiện nay có 376 đảng viên (01/2021), sinh hoạt tại 20 chi bộ, gồm: 15 Chi bộ xóm, 03 chi bộ trường học, 01 chi bộ Y tế, chi bộ Công an xã,

Hội đồng nhân dân xã: Chia thành 7 tổ đại biểu ở 4 khu dân cư, có 23 Đại biểu HĐND đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của nhân dân ở cộng đồng khu dân cư. Các đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND, HĐND xã hoạt động theo Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Uỷ ban nhân dân xã: gồm các bộ phận:

- Ban chỉ huy Công an xã;

- Ban chỉ huy Quân sự xã;

- Bộ phận Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính;

- Văn phòng - Thống kê;

- Tư pháp - Hộ tịch;

- Văn hóa - xã hội;

- Văn hoá - Thông tin;

- Tài chính - Kế toán;

- Địa chính – nông nghiệp;

- LĐTBXH - Dân số - Trẻ em - Thú y

MTTQ và các thành viên, gồm có:

- Hội Cựu chiến binh;

- Hội Liên hiệp Phụ nữ;

- Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;

- Công đoàn xã;

- Hội Người cao tuổi;

- Hội Chữ thập đỏ;

- Hội Nạn nhân chất độc da cam;

- Hội Cựu thanh niên xung phong;

- Hội Khuyến học;

Độ ẩm:

Gió:

Thống kê truy cập

Truy cập: 1256239

Trực tuyến: 9

Hôm nay: 695