UBND Xã Yên Mạc
Thứ hai, ngày 20/05/2024
Chào mừng bạn đến với Website xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Một thoáng quê hương

Thứ ba, 17/08/2021

Yên Mạc xa xưa, các cụ tiền bối truyền lại gọi là xứ Gia Nô (thời Trần gọi là Mô Độ) trước đó là một vùng bãi cát bồi trên bờ vụng bể Thần Đầu (đầu thời Lê gọi là Thần Phù) hình thành từ trước Công Nguyên. Nơi đây, vốn là một cửa biển hiểm yếu xa xưa nằm trên tuyến đường thủy hành quân Nam tiến của người Việt nên được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ trong dân gian và sử sách. Mô Độ “Mênh mông Đông Hải, Tây Hà; Bắc giáp Cổ Đà, Nam giáp Cổ Lâm”, nơi nổi tiếng là vụng bể dữ, đã đi vào ca dao, dễ không mấy ai không biết: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù; Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”.

Tương truyền, thời Hùng Vương thứ 18, vua mang quân đi Nam chinh qua vùng cửa biển Thần Đầu được Áp Lãng Chân Nhân cưỡi thuyền đi trước dẫn đường. Khi chiến thắng trở về Áp Lãng Chân Nhân đã mất ở dọc đường, vua thương tiếc cho lập đền thờ ở cửa Thần Đầu (làng Phù Sa, xã Yên Lâm) và sai tướng Đô Hồng, Sùng Công ở lại xây thành Lưu Thủ (xã Yên Đồng) tạo ra vùng phên dậu phía nam nước Văn Lang. Truyền thuyết dân gian người Việt có nói về thần Câu Mang thời Hùng Vương thứ 18 giúp dân chống lũ lụt, cầu mưa, phục hồi sản xuất. Những nơi thần giúp đều lập đền thờ. Có thần tích còn ghi: Hoàng tử Câu Mang là con Vua Hùng thứ 17, làm quan thời Hùng Vương thứ 18. Bao đời nay dân ta nhiều nơi vẫn thờ Câu Mang là Thành Hoàng làng. Hệ thống đền thờ Thành hoàng làng và bản thống kê danh mục các sắc phong của nhiều triều đại qua khảo cứu của Viện Hán Nôm đã khẳng định Yên Mô - Yên Mạc như một vùng văn hóa cổ.

Tháng 11 năm 43, sau khi tiêu diệt xong lực lượng kháng chiến của Hai Bà TrưngMã Viện trực tiếp chỉ huy 2 vạn quân cùng 2 nghìn tàu thuyền lớn nhỏ tiến vào Cửu Chân (gồm địa phận tỉnh Thanh Hóa và một phần tỉnh Ninh Bình), tiến đánh lực lượng kháng chiến của lão tướng Đông Dương bằng hai đường thuỷ, bộ. Cánh quân bộ bị chặn đứng lại trước núi rừng vùng Tam Điệp ngày nay (do tướng Lê Công Phúc đánh, nay được thờ ở Hưng Hiền). Cánh quân thuỷ bị chao đảo trước sóng to, gió lớn của biển Thần Đầu, Mã Viện phải sai quân đào sông qua dãy núi đá kênh Hàn Chính Đại gọi là Tạc Khẩu. Tháng 7 năm 820 tướng Dương Chí Liệt, Đỗ Sỹ Giao lập căn cứ chống nhà Đường ở Thần Đầu. Năm 979 Ngô Nhật Khánh mưu phản Đại Việt, cầu cứu quân Chiêm. Vua Chiêm là Phế Mi Thuế đưa 10 vạn quân vào Thần Phù thì thuyền bị gió bão đánh chìm, Ngô Nhật Khánh chết đuối, vua Chiêm may mắn thoát nạn. Năm 980 vua Lê Đại Hành lên ngôi, cho xây thành Thiên Phúc (xã Yên Thắng) để bảo vệ cửa biển Thần Phù; năm 982 vua sai đóng chiến thuyền, sắm sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành, chém vua Chiêm Thành tại trận; năm 983 vua cho đào sông nhà Lê (kênh nhà Lê) để vận tải quân lương về phía nam Đại Cồ Việt nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ về phía Nam và phát triển kinh tế nông nghiệp nước nhà.

Thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) đem chiến thuyền theo đường biển đi đánh Chiêm Thành qua cửa biển Hoàn Hải (cửa biển Càn Hải) được thần giúp, ngày khải hoàn ngự thuyền đậu lại chỗ cũ, sắc lệnh lập đền thờ thần Hậu Thổ phu nhân (miếu Tiên Nông). Cũng có sách chép rằng: vua đi đánh Chiêm Thành qua cửa biển Thần Phù vào thắp hương đền thờ Áp Lãng Chân Nhân xin phù hộ. Trận đó thắng lớn bắt được vua Chiêm là Chế Củ, về triều, Lý Thánh Tông quyết định sắc phong cho cho Áp Lãng Chân Nhân tước thần “Thị uy phục viễn thần công đại vương”.

Đến thời Trần, Yên Mạc mới gọi xứ Mô Độ. Khi đó, vua Trần Anh Tông (1239 – 1314) theo đường cửa biển đi đánh Chiêm Thành và Triều Trần đã đặt một Sở tuần ty ở đây. Năm 1400 nhà Hồ soán ngôi nhà Trần, đến năm 1407 nước Việt bị người Minh đô hộ, Trần Ngỗi về Mô Độ, do là hậu duệ vua Trần nên được thổ hào vùng này là Trần Triệu Cơ, tôn làm hoàng đế, hiệu là Giản Định Đế. Lễ tế cờ xưng Đế tại cây Đề Gầm Sú. Vua đặt niên hiệu là Hưng Khánh, tụ tập quân khởi nghĩa, đánh đuổi quân Minh, khôi phục nhà Trần (sử gọi là triều Hậu Trần). Bởi vậy từ xưa dân gian mới có lời sử ca:

Đồn rằng Mô Độ đất thiêng

Bên Đông có miếu, bên Tây có chùa

Chữ vương đất cổ từ xưa

Hai bên nước chảy đò đưa dập dình

Có ông Trần Ngỗi hậu Trần

Về đây xưng đế nghiệp Trần chống Minh

Thời Minh thống trị, Mô Độ mới đổi tên là Yên Mô, do lấy chữ cuối của châu Trường Yên và chữ đầu của Mô Độ mà thành. Nơi đây có núi sông hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, nằm trên giải đất hình chữ vương địa linh nhân kiệt, dân di cư đến quần tụ khá đông, là đầu mối con đường thủy độc đạo qua lại Bắc - Nam. Ấp Yên Mô trở thành vùng đô hội, được thuyền bè nghé vào tấp nập. Có thể, ấp Yên Mô rất đặc biệt về vị trí địa lý, về con người, nơi địa linh ... nên tên ấp Yên Mô còn được đặt cho Tổng Yên Mô và huyện Yên Mô. Con đê Hồng Đức do vua Lê Thánh Tông giao cho tướng Lê Niệm đắp ngăn dòng nước mặn từ năm 1475 đã đặt ấp Yên Mô từ là ấp bãi, vào trong nội đồng. Sau khi đắp xong đê Hồng Đức, tướng Lê Niệm trước khi về triều có chiêu mộ dân phu, lập làng Thiên Trì. Vùng đất Yên Mô xưa được định danh nhiều lần là cửa biển Hoàn Hải - cửa biển Mô Độ - cửa biển Càn Hải - cửa biển Đại Hoàng - cửa biển Trường Yên, nằm trên vụng bể Thần Phù. Đến năm 1862, triều Tự Đức đổi tên làng Thiên Trì thành làng Phượng Trì. (Tên làng thay chữ “Thiên” thành “Phượng” vì đã có lần vua ra chiếu chỉ cấm tất cả các địa danh không được phép dùng chữ “Thiên” trừ Bình Trị Thiên). Từ khi có đê Hồng Đức đời sống dân ở đây mới dần dần ổn định, ngày càng phát triển về kinh tế cũng như văn hóa. Nhà Lê cũng đóng đồn ấp Yên Mô. Vào những thời Nguyên Hòa (1533-1548) Lê Trang Tông, Thiên Hựu (1557) Lê Anh Tông, Gia Thái (1573-1599) Lê Thế Tông, quân triều đình nhà Lê tiến ra đánh quân Mạc, nhiều lần qua lại ấp Yên Mô, trong đó có trận đánh vào tháng 7 năm đầu Thiên Hựu 1557. Trận đó, quân triều đình Lê phục kích ở núi Bảng đánh cho quân Mạc đại bại. Như vậy, suốt thế kỷ 16 cuộc chiến giữa hai thế lực phong kiến (Nam, Bắc triều) đã lấy Trường Yên làm ranh giới, đã bừa đi bừa lại đất Mô Độ không biết bao nhiêu lần. Ngoài ra, bao nhiêu cuộc chiến lịch sử diễn ra trên mảnh đất Mô Độ, những cuộc chống ngoại xâm, những lần trừng phạt Chiêm Thành, Bồn Man cùng với những trận đánh nồi da nấu thịt của các thế lực phong kiến, những cuộc đàn áp khởi nghĩa đã làm cho đất Mô Độ bao phen điêu đứng.

Đến triều niên hiệu Bảo Thái (1720-1729) Lê Dụ Tông, ấp Yên Mô được chia ra thành làng Yên Mô Thượng và làng Yên Mô Hạ. (Có lẽ cái tên làng “Yên Mô Hạ” nghe buồn tủi, lép vế, trong khi làng có đủ ông tú, ông cử, ông nghè nên các cụ đồ mới bàn nhau đổi thành làng Yên Mô Càn - Càn khôn nghĩa là trời đất, trên cả Thượng). Năm Lê Bảo Thái (1723) Hoàng Giáp Ninh Tốn chọn đất xây ngôi “Văn Từ” của hàng huyện tại làng Yên Mô Thượng. Có thể vì đây là địa đầu của huyện, nên xây văn từ hàng huyện không thể không thờ Khổng Tử và các đức thánh hiền Nho giáo. Ít thấy có một làng quê nào lại đưa ra hương ước nghiêm ngặt như làng Yên Mô mọi thành viên trong làng đều phải thực hiện một cách nghiêm túc. Miếu Tiên Nông nơi tập trung giảng giải lễ nghi phong tục, tuyên đọc lệ làng phép nước, mưu tính công việc cùng người trong làng, chăm sóc người già. Miếu cũng là nơi họp hàng Tổng Yên Mô, nơi hiểu dụ của các quan đầu tỉnh. Tổng Yên Mô có hương ước, cứ 3 năm 10 xã trong tổng tổ chức rước Thành Hoàng về miếu để tôn thờ phối hưởng. Lễ hội có 10 đội tế. Lễ tế kéo dài trong 3 ngày, xong các làng lại rước thần về làng mình tôn thờ. Làng còn đề ra tục lệ khuyến học giành một số ruộng, (Yên Mô thượng 6 mẫu, Yên Mô Càn 2 mẫu) gọi là “học điền”. Hàng năm hoa lợi từ các mẫu đất học điền được dùng trợ cấp cho học trò nghèo và thưởng cho học trò giỏi. Khi có việc sinh hoạt trong làng, trong các dòng họ những học trò có bằng học cao được ngồi chiếu riêng để vinh danh. Yên Mô từ xa xưa các cụ đã biết dùng hình tượng sông núi để thể hiện ước mơ cho con em học tập: núi Bảng (còn gọi là núi Dắng, vì dân chài lưới ra khơi bắt hướng quay về; núi Vọng Sơn); núi Voi (còn gọi là  núi Càn Nhai; núi Chuyết Sơn; núi Xa Việt; núi Liên Hoa Sơn; núi Tượng Sơn); núi Mũ (mũ cánh chuồn của quan); núi ông Đồ (cụ đồ Vũ Hậu Trai tự Bá Hoàn có công với làng Yên Mô Thượng nên làng kỷ niệm cụ một quả núi lấy tên là núi ông Đồ). Tất cả tên núi đều hướng về khoa cử, về đời sống văn hóa tương lai. Hiếm có nơi nào như làng Yên Mô ta, tính đến đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) về trước, trong một làng đã có 56 người đạt học vị Sinh đồ (Tú tài). Có thể nói nơi đây vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều người tài ba có công đóng góp xây dựng quê hương đất nước. Điển hình như: cụ Lê Các Lão đặc tiến Phụ quốc - Thượng tướng quân, Đô đốc Đông trị quận công; cụ Phạm Nguyên Lãng - Hàm lâm triều liệt đại phu; cụ Phạm Tình - Tướng quân đánh nhà Mạc, phò chúa Nguyễn Hoàng đánh cho Mạc Chi thất bại nặng ở đồn Quảng Nạp, Yên Thắng; cụ Phạm Đạo tướng quân đánh quân Trịnh Tùng, vốn là con trai tướng Phạm Tình, giữ trọng trách thủ quân của chúa Nguyễn Hoàng vào Nam ra Bắc đánh quân Trịnh Tùng; cụ Phạm Thận Duật đã giữ chức Thượng thư Bộ Hình và Thượng thư Bộ Hộ kiêm Tham tri Bộ Công, Thăng hiệp biên Đại học sỹ, đại thần viên Cơ mật; cụ Vũ Phạm Khải -  quan Ngự sử, Lang trung Bộ Hình, Tham biện nội các (nên người ta thường gọi ông là Quan các Phượng Trì), Toản tu Sử quán, Trưởng Hàn lâm viện, cũng là một nhà thơ nổi tiếng thế kỷ 19.

Thời Nguyễn, ấp Yên Mô được gọi là tổng Yên Mô gồm 12 làng, cuối thời Nguyễn thuộc Pháp, 95% dân số của tổng Yên Mô là trung nông, bần nông và cố nông, số địa chủ chiếm 5% dân số, nhưng chiếm đoạt tới 50% số ruộng điền mật, như: làng Yên Mô Thượng có trên 600 mẫu ruộng Phó Trì chiếm 85 mẫu, Phó Hậu 90 mẫu còn lại các địa chủ khác chiếm từ 10 đến 30 mẫu; Làng Yên Mô Càn có khoảng 195 mẫu nhà Cựu Nhu chiếm 28 mẫu; làng Phượng Trì chỉ có 290 mẫu, địa chủ Đốc, Đề, Phó Dệu mỗi tên chiếm 50 mẫu, các tên khác có ít nhất từ 10 mẫu đến 30 mẫu; làng Kênh Đào có 105 mẫu Chánh Chiểu chiếm 61 mẫu ... Mặt khác do chế độ tô thuế, do các thủ đoạn bóc lột và các tệ nạn xã hội khác, bọn địa chủ hào lý từng bước cướp đoạt ruộng đất của nông dân, buộc họ phải đi làm thuê, lang thang kiếm sống.

Mặc dù phải sống dưới ách áp bức bóc lột dã man của thực dân, phong kiến tay sai nhưng nhân dân Yên Mô vẫn luôn nung nấu ý chí, sẵn sàng đứng lên lật đổ bọn thống trị để giành quyền sống. Tháng 12/1937, nhân dân làng Yên Mô Càn chống lại địa chủ, cướp 35 mẫu ruộng của dân ở A Lăng, buộc Tuần phủ Hoàng Mộng Lê phải về làng, bắt Tổng Ngôn phải trả lại ruộng cho dân; đầu năm 1938, tại làng Phượng Trì, nhân dân đã đấu tranh chống Cửu Đề, Lý Đốc đánh tá điền, thu thuế gian lận. Ở làng Yên Mô Thượng, làng Kênh Đào nhân dân đấu tranh chống địa chủ Phó Trì, Quỹ Hậu, Chánh hội Chiểu và những kẻ cướp đoạt ruộng đất người nghèo. Đầu năm 1939, nhân dân làng Yên Mô Thượng cử đoàn đại biểu lên huyện xin khất thuế vì mất mùa, tố cáo bọn lý trưởng hà thu, lạm bổ, buộc Tuần phủ Nguyễn Văn Tước phải chấp nhận và giảm các hội hè, đình đám ăn vạ, đánh đập tá điền.

Tháng 12/1940 đồng chí Lê Trung Đình, người làng Yên Mô Càn vận động quần chúng thành lập hội “nhân đinh” gồm 23 người, đã tổ chức mít tinh, diễn thuyết tố cáo chính sách đàn áp dã man của đế quốc Pháp và phát xít Nhật, vạch mặt bọn địa chủ tay sai chống bắt phu, bắt lính, ủng hộ các chính sách của Việt Minh. Hưởng ứng phong trào đấu tranh của nhân dân làng Yên Mô Càn, ở làng Phượng Trì và làng Yên Mô Thượng, quần chúng đã đấu tranh với địa chủ Đề, Đốc, Phó Trì chống bóc lột tô thuế, đánh đập và đòi chúng phải đáp ứng các yêu cầu của nhân dân. Tháng 3/1945 phát động cao trào “Phá kho thóc lẫm cứu đói cho dân”, nhân dân đã tập trung đấu tranh bắt bọn hào lý phải mở các kho thóc cho dân vay như kho ở làng Yên Mô Thượng, kho Lý đốc. Đến tháng 8/1945 Chính phủ lâm thời quyết định xoá bỏ cấp hàng tổng, để thành lập cấp xã, do vậy tổng Yên Mô đổi thành 3 xã (xã Yên Mạc; xã Yên Thái; xã Yên Đồng). Xã Yên Mạc được thành lập gồm 5 làng: Yên Mô Thượng, Yên Mô Càn, Phượng Trì, Kênh Đào và Côi Trì. Đến cuối năm 1956, làng Côi Trì và xóm Trại Vòng Lách của làng Yên Mô Thượng được tách ra, lập thành xã Yên Mỹ.

Sau cách mạng tháng Tám ít năm, quân Pháp đã thăm dò được lực lượng kháng chiến của ta và tập hợp được lực lượng phản động đội lốt thiên chúa giáo (Linh mục Lê Hữu Từ) làm nội ứng, quyết định tấn công Ninh Bình. Sáng ngày 16/10/1949 chúng đã cho 17 máy bay chở 300 quân nhảy dù và tàu chiến chở 2000 quân đổ bộ lên Kim Đài, chiếm đóng Phát Diệm bằng đường không và đường thuỷ. Mở đầu thực hiện Kế hoạch Rơ-Ve, chiếm đóng đồng bằng Bắc bộ, nơi có tiềm lực kinh tế, đông dân để thực hiện âm mưu “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của chúng. Nhân dân Yên Mạc dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Yên Mô cùng với nhân dân toàn huyện, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực sư đoàn 320, sư đoàn 304 tổ chức chống càn trừ gian tiêu diệt nhiều đồn bốt giặc. Đêm ngày 29/5/1951 nhân dân Yên Mạc cùng trung đoàn 57 và sư đoàn 304 nổ súng mở màn chiến dịch Quang Trung, tiêu diệt hai bốt địch là Tiên Nông và Chợ Bút. Chiến thắng này đã làm nức lòng nhân dân cả nước...

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, dân Yên Mạc ta vừa đánh Mỹ vừa khôi phục kinh tế sau chiến tranh, cải cách ruộng đất thắng lợi, xóa bỏ chế độ người bóc lột người ... dồn sức chi viện cho tuyền tuyến như hàng ngàn tấn lúa, hàng trăm tấn lạc, thuốc lá và thịt ra sức hoàn thành nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước theo phương châm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” ...

Xã Yên Mạc hiện nay gồm 4 làng: Yên Mô Thượng, Yên Mô Càn, Phượng Trì và Kênh Đào; được thành lập theo địa bàn khu dân cư, với 15 xóm; tổng diện tích tự nhiên là 7,66 km2; trong đó diện tích canh tác 530,46ha; dân số hiện nay là 7.805 người, với 2.610 hộ. Trụ sở cơ quan xã nằm trên địa bàn làng Yên Mô Thượng, khu trung tâm xã. Xã Yên Mạc cách trung tâm huyện Yên Mô 8 km về phía nam; phía bắc giáp xã Yên Mỹ, phía đông giáp các xã Yên Từ, Yên Nhân và xã Lai Thành (huyện Kim Sơn); phía nam giáp các xã Yên Lâm, Yên Thái; phía Tây giáp các xã Yên Thái, Yên Thành.

Trải qua bao thế kỷ và những thăng trầm của lịch sử, người Yên Mạc luôn luôn noi gương, nối gót các bậc tiền bối để học tập, rèn luyện phấn đấu xây dựng quê hương ngày một giầu mạnh, phải nói đến nững tấm gương như: Ông Nguyễn Trung Đình - Thứ trưởng Bộ nông nghiệp; Ông Vũ Xuân Hồng, Đại biểu QH khóa X, XI, XII, XIII, Chủ tịch LHCTC Hữu nghị Việt Nam (hàm Bộ trưởng); Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Phạm Ngạc, Vụ trưởng vụ Châu Âu bộ ngoại giao; PGS, TS Phạm Khắc Hiếu, Trưởng trường ĐH Nông nghiệp I; Kỹ sư Phạm Đình Nhân, phó Giám đốc Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam; Nhà giáo Nguyễn Ngọc Oanh, Trường đại học sư phạm 2; PGS.TS. Phạm Thành Hưng, Đại học Quốc gia HN; PGS.TS Phạm Ngọc Lan Trường đại học Thủy Lợi; Vũ Trọng Kính, Bộ ngoại giao; Kỹ sư Phạm Đình Lạn; PGS, TS Nguyễn Hữu Chấn ở Sài Gòn; PGS.TS Nguyễn Nhã về sử học ở Sài Gòn; Doanh nhân, Th.s Nguyễn Tân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Lilama và nhiều cử nhân, kỹ sư, bác sĩ doanh nhân ở khắp trong nước, ngoài nước.

Yên Mạc có địa hình đất đai đa dạng. Đất canh tác mầu, mùa, chiêm, trũng đan xen, có những vùng đất cát pha được bồi đắp phù sa, rất thích hợp cho việc trồng cây lương thực nhất là cây lúa. Cây công nghiệp chủ yếu là cây lạc, cây màu các loại. Có 4 dòng sông: Sông nhà Lê, sông Trinh, sông Càn, sông Bút chảy qua địa phận xã với chiều dài khoảng 9 km, rất thuận lợi cho giao thông, thuỷ lợi và tưới tiêu; có núi Bảng, núi Voi, núi Ông Đồ, núi Mũ. Bốn ngọn núi là căn cứ địa kháng chiến các thời kỳ. Yên Mạc có đường quốc lộ 12B (QL59B) đi qua và các tuyến đường liên huyện, liên xã, nội xã và chợ Bút, thuận lợi giao lưu hàng hóa, đi lại của nhân dân.

Những tích cũ điển xưa nay vẫn còn nhắc đến đó là di sản văn hóa của Yên Mạc ta như:

- Miếu Tiên Nông: Ngôi đền do Lý Thánh Tông sắc lệnh lập đến thờ thần Hậu Thổ phu nhân và theo truyền thuyết thờ thần Câu Mang Hoàng Đế, Kiến Quốc vương, Hoàng Kim công chúa ..

- Chợ Mo: Theo dân gian truyền lại, chợ Mo có từ thời Mô Độ, dân chài lưới buôn bán tấp nập, xa nhà nên trưa ăn cơm nắm gói bằng Mo Cau và vất Mo ra khu chợ. Lâu ngày người dân gọi là chợ Mo. Hiện chợ Mo nằm ở Ngã tư đường quốc lộ làng Yên Mô Thượng và lối đi làng Yên Mô Càn.

- Hòn đá rước vua (tế vua) Mục Đồng: Hàng năm vào ngày 5/5 nhân dân tổ chức rước vua Mục Đồng vào chỗ một hòn đá có mặt phẳng rộng, nằm “công kênh” trên các hòn đá to khác, nằm ở phía Đông Bắc chân núi Bảng. Lễ rước này nhằm cầu cho quốc thái dân an và còn có ý nghĩa tưởng nhớ Đinh Bộ Lĩnh dẹp 12 xứ quân, thu giang sơn về một mối.

- Đình làng Yên Mô (nay Yên Mô Thượng): Đình làng Yên Mô có từ thời Trần, nơi chăm sóc người già, giảng giải lễ nghi phong tục, tuyên đọc lệ làng phép nước, mưu tính công việc cùng người trong làng. Hàng năm đến ngày 15/2 âm lịch làng tổ chức yết lão. Các cụ cao niên tuổi chẵn 60, 70, 80, 90 được rước từ miếu Tiên Nông vào Đình làng, sau đó tổ chức các hoạt động hội: đọc trúc ca ngợi, tế, lễ, hát, đấu võ, đấu vật, múa lân, múa cờ ...

- Sở tuần ty: Phía đông Mô Độ nổi lên một hòn đảo. Nhà Trần xưa cho lập Sở tuần ty trấn ải và lập các đội quân tuần tiễu bờ biển, canh giữ thành Thiên Phúc và kinh đô Thăng Long. Sở tuần ty nằm trên mặt đê Hồng Đức, làng Mô Càn.

- Cây Đề Gầm Sú: Ngày 2/10/1407 Trần Ngỗi tế cờ, xưng làm hoàng đế (hiệu là Giản Định Đế) tại cây Đề Gầm Sú, Mô Độ. Đề Gầm Sú nay thuộc khuôn viên Trường cấp III B Yên Mô.

- Bia Hạ Mã: Nơi xuống ngựa khi vào cung vua nhà Hậu Trần. Năm 1962, khi làm kho lương thực, bia được khai quật, hiện đang ở bảo tàng xã Yên Mỹ.

- Bến Tắm: Bến này dành riêng cho vua, hoàng hậu và phi tần tắm (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân xã).

- Bến Ngự: Phía đông cửa Càn, quân Hậu Trần luyện tập thủy quân cách bến tắm 200m.

- Bến Chợ: Nơi tập trung thuyền đậu để đưa hải sản vào bờ, sau thành một chợ, nên gọi là bến Chợ (nay ở làng Yên Mô Càn);

- Đồn nhà Lê: Thời Lê cũng đóng Đồn tại Sở tuần ty nhà Trần, đến đời Minh Mạng đền mới bị triệt đi (nay là xóm Đồn làng Yên Mô Càn);

- Chợ Bút: Chợ Bút mở thời Lê Cảnh Hưng diện tích 6 sào ruộng, chợ họp một tháng 6 phiên mồng 5, mồng 10, ngoài ra ngày nào cũng họp phiên xép;

- Chợ Tiên Nông: Chợ Tiên Nông được lập khu vực cây Đề Gầm Sú từ năm 1928, diện tích khoảng 1 ha. Chợ họp ngày 2, ngày 7, ngoài ra ngày nào cũng họp phiên xép (nay là Trường cấp III B Yên Mô);

- Văn từ hàng huyện: Thờ thánh sư Khổng Tử và bốn người học trò của ông được thờ chung là Nhan Uyên, Tử Tư, Tăng Sâm, Mạnh Kha cùng các hiền triết, tiên nho;

- Ao Vua: Nơi vua câu cá, vãng cảnh, quan sát địa hình lên phương án tác chiến (nay thuộc đất làng Yên Mô Càn).

- Đình làng Yên Mô Càn: Thờ cụ Nguyễn Phúc Tài người Hương Cần, Tổng An Ai, Quỳnh Lưu, Nghệ An làm nghề đánh cá, đến biển Càn khai hoang lập ấp, dân thờ là Thành Hoàng làng.

- Miếu làng Yên Mô Càn: Thờ tứ vị thánh nương (Thái Hậu họ Dương và 3 Công Chúa đời nhà Tống Trung Quốc ở đền Cờn, Quỳnh Lưu, Nghệ An).

- Miếu Lê Niệm: Miếu thờ công thần thái phụ quốc công Lê Niệm tại chân núi Voi để tưởng nhớ công ơn của ông.

- Đình làng Phượng Trì: Thờ Thành Hoàng làng Lê Niệm người có công lập làng Thiên Trì (phượng Trì).

- Đình làng Kênh Đào: Thờ Thành Hoàng làng Lê Niệm người có công mở mang ruộng đất cho làng Kênh Đào.

- 23 thần sắc được các triều đại phong tặng cho Thành Hoàng Câu Mang Hoàng Đế của làng Yên Mô: Phong cấp vào các năm Hoằng Định 1 đạo; Vĩnh Tộ 2 đạo; Đức Long 2 đạo; Dương Hòa 3 đạo; Phúc Thái 2 đạo; Thịnh Đức 2 đạo; Vĩnh Thọ 2 đạo; Cảnh Trị 2 đạo; Dương Đức 1 đạo; Chính Hòa 1 đạo; Vĩnh Thịnh 1 đạo; Vĩnh Khánh 1 đạo; Cảnh Hưng 3 đạo.

- 07 thần sắc được các triều đại phong tặng cho Tứ Vị Thánh Nương của làng Yên Mô Càn: Phong cấp vào các năm Vĩnh Thịnh 1 đạo; Vĩnh Khánh 1 đạo; Cảnh Hưng 4 đạo; Cảnh Thịnh 1 đạo.

- Chùa Phượng Trình, chùa Uẩn Long, chùa Kiền Quang, chùa Hang …

Những di sản văn hóa Yên Mạc mà nhân dân các làng đang bảo tồn và phát huy đều liên kết hài hòa với các hoạt động văn hóa hiện đại, thường nhật, diễn ra ngay trong mỗi gia đình và trong từng cộng đồng dân cư, cộng đồng nghề nghiệp, nhằm khôi phục, giữ gìn cái hay, cái đẹp, giữ bản sắc độc đáo và đặc trưng khu biệt của mỗi làng. Qua đó tạo lập không gian, môi trường văn hóa, đáp ứng nhu cầu giao lưu, sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống.

(*) TS.Phạm Ngọc Anh, Kiểm toán Nhà nước

(*) Bài viết được thực hiện trên cơ sở khảo cứu các thư tịch, tài liệu sử học: Đại Việt Sử ký toàn thư; Đại Việt Thông sử; Đại Việt Sử Lược; Việt điện u linh; Kiến văn tiểu lục, Lĩnh Nam chích quái, Bia thần đàn làng Yên Mô Thượng…

Độ ẩm:

Gió:

Thống kê truy cập

Truy cập: 1256353

Trực tuyến: 42

Hôm nay: 809